Hữu Loan: ly kỳ & độc đáo |
Hữu Loan chào đời ngày chủ nhật 2-4-1916 nhằm 30 tháng 2 Bính Thìn tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Cũng tại đấy, Hữu Loan từ trần tối thứ sáu 18-3-2010 nhằm mùng 3 tháng 2 Canh Dần, hưởng thọ 95 tuổi. Bài viết này thay tràng hoa vĩnh biệt một thi sĩ - chiến sĩ tài năng. Hữu Loan có họ tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan. Đỗ tú tài Tây năm 1938 nên thường được gọi Tú Loan. Theo bài Tự phỏng vấn do Hữu Loan viết năm 1988, ông “cũng có tên đời Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì”, lại thêm “tên chợ là Ông già vườn Lỗi (Phù Viên Lỗi)”. Nhắc Hữu Loan, đông đảo bạn đọc gần xa nghĩ ngay đến bài thơ Màu tím hoa sim được ông sáng tác với đề từ: Khóc Lê Đỗ Thị Ninh. Độc đáo “Màu tím hoa sim” Lê Đỗ Thị Ninh là ái nữ của ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng thanh tra Nông lâm Đông Dương thời ấy. Biết Hữu Loan học giỏi và hay thơ, phu nhân ông Kỳ là bà Đái Thị Ngọc Chất mời Hữu Loan về nhà dạy kèm các con. Bấy giờ, Hữu Loan 24 tuổi, Ninh vừa lên 8. Điều khó ngờ là tình yêu giữa Hữu Loan với Ninh nẩy nở. Mãi 9 năm sau, ngày 6-2-1948, hai người thành hôn tại ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Ngày 29-5-1948, Ninh đột tử. Không phải vì giặc giết em rồi, dưới gốc thông như Vũ Cao thể hiện qua bài thơ Núi Đôi(1956). Không phải vì giặc bắn em rồi quăng mất xác như Giang Nam diễn tả qua bài thơ Quê hương(1960). Lý do khiến Ninh từ trần rất bất ngờ mà quá đỗi bình thường: chết đuối. Nàng xuống sông Chuồng giặt giũ và chẳng may trượt chân vào luồng nước dữ dưới chân núi Nưa. Thương vợ, xót chồng, Hữu Loan viết Màu tím hoa sim vào năm 1949 với những con chữ rơi rơi y hệt dòng lệ thảm. Ngày 5-10-2007, ngay sau khi bão Lekima vừa tan, nhà thơ Hữu Loan nói với tôi: — Khi Lê Đỗ Thị Ninh mất, tôi làm Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 đóng ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ai đấy cứ bảo rằng tôi sáng tác Màu tím hoa sim khi đi công tác Nghệ An. Không phải đâu ạ. Tôi làm bài đó ngay tại Thanh Hoá. Mặc dù ở Thanh Hoá, Hữu Loan lại gọi nhạc mẫu bằng má, chứ không gọi mẹ. Vì sao? Vì theo thói quen của vợ. Lê Đỗ Thị Ninh chào đời tại Sài Gòn, ấu thời quen gọi mẫu thân kiểu miền Nam. Thuở nọ, Ninh cóem chưa biết nói là ai? Là Lê Thị Như Ý. Ba người anh của Ninh là Lê Đỗ Khôi (chính trị viên tiểu đoàn 315, trung đoàn 165, đại đoàn 312, đã hy sinh nơi đồi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ sáng 7-5-1954), Lê Đỗ Nguyên (nay là trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và Lê Đỗ An (tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư trung ương Đoàn khoá III và IV, nguyên Phó ban Dân vận trung ương). Kỳ thực, lúc bấy giờ, trên chiến trường đông bắc chỉ có hai anh Khôi với Nguyên được tin em gái mất trước tin em lấy chồng. Hữu Loan giữ riêng bài thơ Màu tím hoa sim như một kỷ niệm sâu sắc riêng tư. Vũ Tiến Đức – biên tập viên báo Chiến Sĩ – là người chuyền tay bài thơ này đến bà Ngọc Chất cùng một số kẻ quen biết. Trao đổi cùng tôi, nhà thơ Hữu Loan khẳng định: — Màu tím hoa sim được in lần đầu trên tờ Trăm Hoa do Nguyễn Bính thực hiện tại Hà Nội năm 1956. Bài thơ ấy đã được được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Thập niên 1960, Dzũng Chinh soạn Những đồi hoa sim bằng điệu slow rumba theo âm giai chủ rê thứ; được các ca sĩ Phương Dung, Sơn Tuyền, Hương Lan, Duy Quang, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Hạ Vy, Mạnh Quỳnh, Như Quỳnh, v.v., thể hiện. Tương tự Dzũng Chinh, Anh Bằng phỏng ý thơ Hữu Loan để soạn ca khúc Chuyện hoa sim. Sau, cũng nhạc sĩ Anh Bằng soạn ca khúc Tím cả chiều hoang thì bám kỹ vào nội dung bài thơ. Duy Khánh soạn Màu tím hoa sim với phần ca từ cũng theo sát nguyên bản bài thơ. Phạm Duy soạn Áo anh sứt chỉ đường tà - khởi sự từ năm 1949, đến năm 1971 mới hoàn tất - gồm cả loạt trường đoạn phối hợp, nhằm diễn đạt nhiều cung bậc và sắc thái tình cảm, từ nhịp 4/4 với âm giai chủ đô thứ, sang nhịp 2/4 đô trưởng, qua nhịp 4/4 la thứ, chuyển nhịp 3/4 đô trưởng, rồi kết bằng nhịp 4/4 đô trưởng. Áo anh sứt chỉ đường tà đã được thể hiện bởi những giọng khác nhau như Thái Thanh, Elvis Phương, Trần Thái Hoà, Duy Quang, Bích Liên, Ý Lan, Mai Hương, Xuân Phú, Hiền Thục, Khắc Dũng, Đức Minh, Đức Tuấn, v.v. Nhạc sĩ Phạm Duy cho hay: — Phổ bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, các nhạc sĩ khác đã dùng hình thức “tiểu khúc” bình dân, ngắn ngủi, chỉ một đoản khúc pop boléro hoặc slow rock giản dị, dễ nghe, dễ hiểu; còn tôi lại soạn “đại khúc” bi hùng dài tới 5-7 đoạn, với mong ước tạo được một “ái quốc ca” (chant patriotique). Dư luận lắm phen chuyển từ cực đoan nọ sang cực đoan kia đến khó lường. Từng có nơi, có lúc, có người vênh giọng phê phán rằng Màu tím hoa sim là bài thơ “uỷ mị” và “nhuốm mùi tiểu tư sản”, song tác phẩm ấy vẫn sống trong lòng muôn kẻ yêu văn nghệ. Ngày nay, lại vần vũ lời tung hô: Màu tím hoa sim là “một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX”. Một sự kiện khiến dư luận chú ý đặc biệt: Màu tím hoa simvụt trở thành bài thơ được trả tiền tác quyền cao nhất Việt Nam – và cả châu Á, cũng như toàn thế giới – vào năm 2004 với mức 100 triệu đồng. Hữu Loan bằng lòng chuyển giao bản quyền tác giả đối với bài thơMàu tím hoa sim cho Công ty cổ phần công nghệ Việt (Vitek VTB) và đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Điều buồn cười: bài thơ Màu tím hoa sim bấy lâu nay lưu truyền nhiều dị bản. Ngạc nhiên xiết bao khi so sánh một số thủ bản do Hữu Loan đích thân thực hiện, tôi vẫn thấy những chi tiết khác nhau về từ ngữ, về kiểu xuống dòng, về quy cách viết hoa và viết thường! Loạt chuyện ly kỳ Năm 1953, tại Thanh Hoá, Hữu Loan kết hôn lần thứ hai với Phạm Thị Nhu. Qua thơ Hữu Loan, mỗi ý trung nhân đều gắn bó một loài hoa. Bài thơ Hoa lúa do Hữu Loan sáng tác năm 1955 “nịnh” người vợ sau, từng được nhạc sĩ Trần Chung chuyển soạn thành ca khúc Cô gái hội Lim . Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, trải hoàn cảnh quá ư khó khổ lại rối rắm muôn đa đoan trắc trở, đôi vợ chồng vẫn sinh và nuôi được 10 con trưởng thành, trong đó có những người làm việc Nhà nước. Xin nêu phương danh cùng nghề nghiệp: 1. Nguyễn Hữu Cương (sửa xe máy). 2. Nguyễn Thị Hương (giáo viên THCS); 3. Nguyễn Thị Hà (buôn bán); 4. Nguyễn Hữu Vũ (thợ cơ khí); 5. Nguyễn Hữu Lập (tài xế); 6. Nguyễn Thị Chung (làm ruộng); 7. Nguyễn Thị Dinh (hoạ sĩ); 8. Nguyễn Hữu Đán (kiến trúc sư); 9. Nguyễn Thị Ứng (thợ may); 10. Nguyễn Thị Triêu (thợ cơ khí). Có những đứa con tạo cảm hứng cho bố sáng tác, chẳng hạn trưởng nam là động lực khiến Hữu Loan viết áng thơ Tò he vào năm 1957. Hiện 10 con ấy đã sinh 37 cháu nội ngoại cho ông bà Hữu Loan. Sau khi bị chỉnh huấn phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, Hữu Loan thôi làm báo Văn Nghệ và rời Hà Nội, về quê nhà, kiếm sống bằng những công việc tay chân cực nhọc là cày bừa, đánh cá, đốn củi, thồ đá, v.v., từ năm 1958 đến cuối đời. Tuy nhiên, sau mấy thập niên vùi mình nơi làng quê, Hữu Loan đã có dịp ra Bắc vào Nam. Năm 1987, tái ngộ Hà Nội. Năm 1988, ghé Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa, Phan Thiết, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Hà Tĩnh. Năm 1990, quay lại Đồng Nai và Sài thành. Năm 1995, tiếp tục thăm mảnh đất Thăng Long. Năm 2007, nguyệt san Khởi Hành (do nhà thơ Vi૪n Linh chủ nhiệm kiêm chủ bút, trụ sở chính hiện đặt tại Litle Saigon, quận Cam, California, USA) trao giải “Văn chương toàn sự nghiệp” đến nhà thơ Hữu Loan. Giải thưởng trị giá 5.000 USD, gồm 3.000 USD hiện kim và 2.000 USD nhằm ấn hành tập thơ. Qua điện thoại, bà Phạm Thị Nhu cho tôi hay: — Nguyệt san Khởi Hành đã gửi 3.000 USD bằng đường bưu điện. Nhà tôi mới nhận được vào ngày 30-9-2007 đấy. Cũng ngày chủ nhật 30-9-2007, Người Việt Online loan tin: “Cho tới nay sau hai phần ba thế kỷ làm thơ, Hữu Loan vẫn chưa in được một tập thơ nào cả, nên nguyệt san Khởi Hành sẽ in một tác phẩm... đầu tay cho nhà thơ Hữu Loan, và tác giả còn nhận được một phần bản quyền tác giả trên tập thơ được in ra nữa”. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi: “Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào”. Thứ sáu 19-3-2010, báo Sài Gòn Giải Phóng Online truyền bài Tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” qua đờivà tạp chí Nhà Văn truyền bài Tác giả “Màu tím hoa sim” đã ra đi vẫn lặp lại: “Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào”. Thứ bảy 20-3-2010, báo Đất Việt Online truyền bài Nhà thơ Hữu Loan trong mắt bạn bècòn nhấn: “Trên thực tế, Hữu Loan là nhà thơ nổi tiếng duy nhất cả đời không in một tập thơ nào”. Cùng ngày, báo Công An Nhân Dân Online truyền bài Tác giả “Màu tím hoa sim” đã về miền cực lạc vẫn không tránh khỏi ngộ nhận: “Mặc dù chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng ông lại khá nổi tiếng trên văn đàn”. Chủ nhật 21-3-2010, báo Tuần Việt Nam truyền bài Người nhuộm tím thi đàn bằng màu hoa sim cũng trượt theo tuyến nhầm lẫn: “Cả cuộc đời dài gần trăm năm của mình, Hữu Loan làm thơ không nhiều, không in tập lớn, tập bé; nhưng chỉ cần với một Màu tím hoa sim, ông đã nhuộm tím thi đàn Việt Nam”. Hỡi ôi! Thông tin vậy hoàn toàn thiếu chính xác! Vì từ năm 1990, tại Việt Nam, tập thơ Màu tím hoa simcủa Hữu Loan được ấn hành bởi NXB Hội Nhà Văn. Tập thơ dày 92 trang, khổ 13 x 19cm, chỉ 10 bài thơ của Hữu Loan; phần còn lại là những ghi chép bởi Vũ Cao, Nguyễn Sĩ Đạt, Ngô Văn Phú, Đào Bích Nguyên. Đó là 10 bài thơ: Ngày mai, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa lúa, Phương gió, Tò he, Nếu anh không đi, Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ, Yên Mô. Bây giờ, Hữu Loan vĩnh viễn khuất bóng. Nhưng tác phẩm và cuộc đời ông vẫn triển chuyển mãi trong tâm trí bao người. Chắc chắn rằng thơ văn của Hữu Loan cùng những trang viết của tha nhân về ông sẽ được ấn hành rộng khắp. Phanxipăng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét